Tổ yến sào là gì? 101 những điều cần biết dành cho người mới tìm hiểu về yến sào

Khi bạn bắt đầu quan tâm tới ‘yến sào’, bạn sẽ bắt đầu tìm kiếm, cũng như tôi trước đây, và có hàng vạn bài viết trên mạng đưa tôi vào ma trận, không phân biệt được nguồn tin thật/ giả. Vì vậy, hãy cùng nhau điểm danh những hiểu biết cơ bản về yến sào nhé. Bài viết này sẽ giúp bạn đi tắt được một hành trình dài đấy. 

1. Yến sào là gì? 

Yến Sào hay còn được gọi là Tổ Yến (tiếng Hoa: 燕窩 ) do âm Hán Việt “sào” có nghĩa là Tổ. Đây là loại thực phẩm – dược phẩm nổi tiếng được làm bằng tổ chim yến. Vốn được coi là món cao lương mỹ vị từ bao đời nay.

Nếu bạn tìm kiếm từ yến sào với các ngôn ngữ khác nhau thì có thể tham khảo tại đây:

  • Trong tiếng Anh, yến sào là Salanganes Nest
  • Trong tiếng Hoa, yến sào là 燕窩
  • Trong tiếng Nhật, yến sào là 燕の巣 

2. Không phải loại chim yến nào cũng làm tổ từ nước bọt

Hóa ra, không phải ‘tổ’ chim yến nào cũng ăn được các bạn à. Thế giới chim yến có nhiều loại khác nhau, có loại làm tổ bằng lông, có loại bằng rơm rạ. Chỉ có 2 loại chim yến làm tổ bằng nước dãi (nước bọt), đó là yến hàng (tên khoa học Aerodramus fuciphagus) và yến sào đen (tên khoa học Aerodramus maximus) cùng trong họ yến (hay còn gọi là vũ yến) Apodidae.

Mặc dù chúng có bề ngoài rất giống với các loài én (họ Hirundinidae) nhưng thực ra không phải, chỉ là ‘vô tình’ giống nhau nhờ đặc tính của loài “bắt các côn trùng” làm thức ăn khi đang bay..

3. Quá trình làm tổ của chim yến

Được xây từ nước bọt, tổ chim yến là thành quả nỗ lực ~50 ngày của cặp vợ chồng chim yến

Điều thú vị là nếu cặp đôi chim yến mà ‘chưa kết hôn’, thường con chim đực làm tổ trước và kêu gọi chim mái về làm tổ chung; việc tìm kiếm bạn tình có thể nhanh hay chậm. Đối với những cặp đã trải qua sinh sản rồi thì việc làm tổ là nhiệm vụ của cả hai. Tổ chim ấy luôn được cố định trong nhiều năm.

Lịch ‘làm tổ’ của chim yến được camera hồng ngoại ghi lại như sau:

-18h tối ‘chim yến’ đi làm (kiếm ăn) về, chúng nghỉ ngơi gần tiếng đồng hồ rồi rục rịch làm tổ.

-20h- đến 3h sáng hôm sau là khoảng thời gian cặp vợ chồng chim yến hì hục xây tổ say sưa nhất.

Tùy khả năng lập kế hoạch của mỗi cặp chim khác nhau mà lúc có thời gian thì đủng đỉnh 12 lần/ngày, để rồi khi sắp đẻ trứng tới nơi thì phải tăng tốc lên 15 lần/ngày. Mỗi lần ‘quẹt tổ’ dao động từ 25 giây (chắc chim yến thần tốc), có khi kéo dài tới 7 phút (chắc chim yến cẩn trọng, đang dư nước bọt).

Tính ra cũng xấp xỉ 50 ngày thì cặp đôi chim yến cũng hoàn thành xong tổ ấm, vừa kịp đẻ trứng. Tuy nhiên, chúng vẫn thỉnh thoảng ‘quẹt’ nước bọt để gia cố thêm vững chắc cho tổ chim của mình. 

Mùa sinh sản của chim yến kéo dài 9 tháng, chỉ trừ mỗi mùa đông (tháng 11, 12, 1) 

Giống như các loại gia cầm khác, chim yến thường giao phối vào ban đêm, một ngày 3-4 lần. Mỗi lần thành công thì sau 5-8 ngày đẻ trứng. Mỗi lứa chỉ đẻ max 2 quả trứng, nên sau khi sau khi đẻ trứng đầu tiên, thỉnh thoảng chim vẫn còn giao phối từ 2 đến 3 lần, nhưng sau khi đẻ trứng thứ 2 thì không giao phối nữa.

Thường chim yến chỉ đẻ 1-2 quả trứng/ 1 lứa

Tỷ lệ đẻ trứng của chim yến trong nhà đạt tỷ lệ khoảng 57%; tỷ lệ nở đạt 73%, tỷ lệ nuôi chim trưởng thành đạt 65%.

Giống như 1 cặp vợ chồng rất biết chia sẻ, cả chim trống và chim mái thay phiên nhau ấp trứng và kiếm ăn. Vào ban đêm thì một con ấp, con còn lại bám trên thành tổ, chúng cũng đổi ca ấp cho nhau, một đêm đổi ca ấp khoảng 4 – 5 lần.

Sau khoảng 22 đến 23 ngày thì trứng đầu tiên nở. Thời gian nở của trứng thứ nhất và trứng thứ 2 cách nhau khoảng 2 đến 3 ngày. 

Chim con càng lớn thì tần suất chim bố mẹ mớm mồi cho ngày càng nhiều.

Thời gian đầu chim con nhỏ hơn 10 ngày tuổi thì sau khi cho chim con ăn chim bố mẹ vẫn ấp để sưởi ấm cho chim con từ 1 đến 2 giờ. Thời gian sau chim bố mẹ về chỉ còn mớm mồi cho con.

  • Ở tuần đầu tiên số lần chim bố mẹ cho chim con ăn khoảng 3 lần/ngày. 
  • Ở tuần thứ 2 số lần chim bố mẹ cho chim con ăn khoảng 4 lần/ngày.
  • Ở tuần thứ 3 số lần chim bố mẹ cho chim con ăn khoảng 5 lần/ngày. 
  • Ở tuần thứ 4 và 5 số lần chim bố mẹ cho chim con ăn khoảng 6 lần/ngày. Giai đoạn này chim con mọc lông đầy đủ ở các bộ phận (đuôi, cánh,…) và đã đu tổ được, tập bay.

Nhà đông con (2 chim con) thì thường chúng không phát triển đồng đều, do chim mẹ mỗi lần cho ăn thường cho một con ăn, nếu thức ăn kiếm được nhiều thì cho cả hai. 

Thời gian nuôi chim con từ khi mới nở đến trưởng thành trung bình khoảng 48 ngày. Có một số chim non rời tổ sớm khoảng 40 ngày (thường xảy ra đối với tổ 1 con do chim bố mẹ cung cấp đầy đủ thức ăn nên chim con trưởng thành nhanh hơn so với chim ở tổ 2 con).

Độ dầy và dài của tổ yến là minh chứng cho tuổi thọ của ‘căn nhà’ mà đôi chim yến xây dựng

Thường thì các cặp vợ chồng chim yến chỉ xây tổ khi đẻ trứng, nuôi chim con. Khi chim con lớn lên, chúng sẽ rời tổ và tự xây tổ riêng khi ‘trưởng thành’ và ‘lập gia đình’ của riêng mình.

Phần tổ của ‘bố mẹ’ chúng sẽ để dành cho lần đẻ sau nếu tổ không khai thác. Chim bố mẹ sẽ chỉ cần gia cố thêm cho vững chắc, dày thêm. Trường hợp khai thác tổ yến, cặp chim bố mẹ sẽ xây tổ mới cho lứa sau. 

Thông thường các tổ yến có hình bán nguyệt với bán kính dao động từ 35mm-65mm. Vì vậy, những tổ yến khai thác đến tay người tiêu dùng càng dầy và dài, càng phản ánh căn nhà đó được xây dựng từ lâu, và trải qua nhiều lứa chim con ra đời. Còn nếu người khai thác tổ yến ‘quá sớm’, sẽ thu hoạch những tổ yến mỏng và nhỏ hơn.

4. Có 3 thời điểm khai thác tổ yến, nhìn vào ‘tổ chim yến’ là có thể đoán được phần nào

Có nhiều lời đồn đại về những người khai thác tổ yến ‘nhẫn tâm’, ‘gặt lúa non’ cả khi trứng chim chưa kịp nở, chim bố mẹ biết cấu víu vào đâu? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về tổ yến, về cơ bản, có 3 thời điểm mà người khai thác yến có thể can thiệp:

  • Khi chim yến vừa làm tổ xong, chưa kịp đẻ trứng. Tổ thu hoạch lúc này thường nhỏ hơn những lúc khác do sau khi đã đẻ trứng chim yến vẫn tiếp tục xây tổ dày thêm. Khi chim yến chưa kịp đẻ trứng mà phát hiện ra mất tổ sẽ lập tức xây lại tổ mới.
  • Khi chim yến đã đẻ trứng nhưng trứng chưa kịp nở. Tổ yến thu hoạch lúc này lớn hơn, ít tạp chất, nhưng sẽ làm ảnh hưởng đến số lượng của chim yến cho trứng không nở được.
  • Khi chim non đã rời tổ. Phương pháp này giúp bảo vệ số lượng chim yến và hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống của chim yến, vì chim non đã rời tổ có thể tiếp tục nhân giống, còn chim bố mẹ vào mùa sinh sản sau sẽ xây lại tổ mới. Tổ yến thu hoạch bằng phương pháp này có khối lượng lớn nhất, tuy nhiên thường lẫn nhiều tạp chất như lông, phân, do chim non đã lớn lên trong tổ yến.

Trong phạm vi bài viết này, chúng ta đã có được góc nhìn tổng quan về quá trình xây tổ, ấp trứng, cho tới khi chim non trưởng thành và bắt đầu 1 ‘cuộc sống mới’. Hãy cùng đón đọc bài tiếp theo để khám phá những công dụng mà yến sào mang lại tại đây.

Chia sẻ