Yến Sào là thực phẩm vô cùng bổ dưỡng và lành tính. Là thực phẩm có giá trị bồi bổ sức khỏe rất cao mà chế biến yến sào lại vô cùng đơn giản và dễ làm. Hôm nay, Yến sào Hảo Thư sẽ hướng dẫn bạn cách chưng yến sào ngon miệng, bổ dưỡng mà lại dễ làm. Dù bạn có sẵn nồi chưng yến điện hay chỉ có nồi thông thường thì nguyên tắc chuẩn bị không thay đổi, chỉ khác nhau về thời gian chưng yến thôi.
1. Bảng thời gian ngâm nở và chưng cách thủy- chưng nồi điện
Mỗi loại yến tinh chế sẽ có thời gian “ngâm nở” khác nhau, tùy vào yến non hay yến già, yến nhà hay yến đảo, yến trắng hay yến huyết,… Bạn cùng xem bảng liệt kê chi tiết bên dưới nhé
Ngoài ra, một phần làm nên chén yến chưng thơm ngon phải kể đến các nguyên liệu chưng đi kèm. Ở phần sau chúng ta sẽ cùng đi chi tiết hơn về các món chế biến với yến sào.
2. Công dụng của yến sào và các nguyên liệu khác
Các công thức chưng yến mà chúng tôi sẽ đề cập dưới đây đều có sử dụng một số loại nguyên liệu chế biến khác ngoài tổ yến. Trước hết, bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu công dụng của yến sào cùng các nguyên liệu này đối với sức khỏe nhé.
Tổ yến
Công dụng chính của yến sào là: Bồi bổ sức khỏe và tăng cường sinh lực; tăng cường khả năng tiêu hóa và trao đổi chất trong cơ thể để hấp thu dinh dưỡng tốt; hạn chế tối đa chứng táo bón; bổ phế, giảm ho, làm tan đờm, cải thiện khả năng hô hấp; tăng cường, phục hồi chức năng bài tiết đã bị suy yếu của thận; có khả năng cải thiện chức năng tuần hoàn của tim.
Gần đây, y học còn phát hiện ra rằng loại thực phẩm này chứa rất nhiều dưỡng chất chống oxy hóa quan trọng, có tác dụng tuyệt vời trong việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư.
Đông trùng hạ thảo
Đông trùng hạ thảo là loại dược liệu có đặc điểm sinh trưởng rất đặc biệt với nửa thân ấu trùng, nửa thân thảo. Chúng đem lại những lợi ích tuyệt vời cho người già như: Tăng cường các hoạt động miễn dịch; tăng cường chức năng gan; phục hồi các chức năng thận hư; giảm lượng cholesterol trong máu, ổn định huyết áp; hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp hiệu quả; chống mệt mỏi, suy nhược ở người già;…
Táo đỏ
Táo đỏ có công dụng là: Hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh huyết áp thấp, bệnh viêm gan; tăng cường khí huyết, tốt cho não bộ; ngừa cảm lạnh do có tính nhiệt;…
Hạt sen
Hạt sen chứa nhiều clo, carbohydrate, protein…Không chỉ là một món ăn vui miệng, trong Đông y, hạt sen còn là vị thuốc quý chữa các bệnh như đau đầu, mất ngủ, chống lão hóa và làm đẹp da, chống mất máu và bồi bổ tốt cho sản phụ, cải thiện vòng 1 sau khi sinh đối với phụ nữ, tăng trí thông minh đối với trẻ, trị tiêu chảy cùng bài thuốc dân gian;…
Câu kỷ tử
Câu kỷ tử là thành phần của nhiều bài thuốc sắc, thuốc ngâm rượu đến các món ăn ngon. Câu kỷ tử có tác dụng: Giúp người dùng tăng thị lực; hỗ trợ giảm đau khớp; cải thiện chức năng phổi; điều chỉnh huyết áp; thải độc cho gan; làm đẹp da; tăng cường hệ miễn dịch;…
Mật ong
Mật ong từ lâu đã được xem như thần dược giúp chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho tất cả mọi người. Nó có các tác dụng chính là: Hỗ trợ điều trị đau dạ dày, đại tràng; trị viêm họng, khàn tiếng, ho khan, có đờm; chữa viêm mũi, viêm xoang, hỗ trợ điều trị hen suyễn; chữa lành, sát khuẩn vết thương tốt; hỗ trợ điều trị viêm khớp; tăng cường chất lượng giấc ngủ; cải thiện thị lực;…
Saffron
Nhụy hoa nghệ tây (Saffron) là loại thảo dược quý giá có tác dụng: Cải thiện rối loạn giấc ngủ; cân bằng nội tiết tố; cải thiện hệ tiêu hóa; tốt cho sức khỏe tim mạch; cải thiện thị lực; ngăn ngừa phát triển các tế bào ung thư; trị sẹo, thâm nám, cải thiện độ ẩm cho làn da;…
Hạt chia
Hạt chia là loại hạt dinh dưỡng khá phổ biến, bao gồm các công dụng chính đối với sức khỏe người sử dụng là: Phòng chống bệnh tiểu đường; cung cấp nhiều chất xơ; bổ sung axit béo Omega 3; chứa chất chống oxy hóa; tốt với sức khỏe răng và xương; cung cấp protein cho cơ thể;…
Lá dứa (Lá nếp)
Lá dứa thường được biết đến với công dụng làm tăng độ thơm ngon cho món ăn, nhưng ít ai để ý rằng nó còn có những công dụng tuyệt vời khác như: Bồi bổ thần kinh; điều trị tăng huyết áp; loại bỏ cảm giác căng thẳng, lo lắng hay điều trị đau nhức khớp và bệnh thấp khớp;…
Nhãn nhục
Nhãn nhục chính là long nhãn – sản phẩm của quá trình sơ chế, sấy khô cùi nhãn. Nhãn nhục có tác dụng: Bồi bổ sức khỏe; hỗ trợ các vấn đề tim mạch; chống chảy máu dưới da; hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ hoặc ngủ quá mê man; chống biếng ăn;…
Bạch quả
Bạch quả (Ginkgo biloba, hay trong Đông y gọi là quả ngân hạnh) là một loại dược liệu quý thường được dùng trong các bài thuốc hay một số món ăn bồi bổ sức khỏe. Bạch quả có thể: Trị chứng ho lâu ngày; giúp cải thiện tuần hoàn máu não; hỗ trợ điều trị thoái hóa điểm vàng; điều trị hội chứng tiền đình, ù tai, lo âu, căng thẳng;…
—
Bạn cũng lưu ý rằng, tùy thể trạng và bệnh riêng của từng cá nhân người dùng, một số thành phần nguyên liệu có thể sẽ nằm trong danh sách chống chỉ định, không nên sử dụng. Vì vậy, trước khi chưng yến với một thành phần nguyên liệu nào, bạn nên tìm hiểu kỹ các nguyên liệu, thực phẩm không phù hợp với tình trạng sức khỏe của người dùng nhé!
Về việc khử mùi tanh cho yến: Tổ yến thô sẽ có mùi tanh đặc trưng, gần giống mùi lòng trắng trứng gà. Để khử hết mùi tanh của yến, trong lúc chưng yến bạn nên cho thêm một vài lát gừng vào. Gừng còn có thể làm tăng hương vị hấp dẫn cho món ăn cũng như trung hòa tính hàn của tổ yến nữa đó. Nếu bạn không thích mùi vị của gừng, và cũng không thích mùi tanh của yến thì bạn hoàn toàn có thể sử dụng yến tinh chế, đây là yến đã làm sạch và sấy khô nên sẽ khắc phục được mùi tanh và còn rất tiện lợi nữa nhé.
3. Các món ăn hấp dẫn từ yến sào mà bạn dễ dàng chưng/ chế biến
Chắc hẳn bạn đã nghe nói đến công dụng tuyệt vời của yến sào, nhưng không phải ai cũng biết cách chế biến yến sào ra sao, cách chưng yến sào đúng như thế nào, chưng yến với gì ngon mà vẫn đảm bảo giữ nguyên chất dinh dưỡng trong yến sào. Chúng tôi sẽ bật mí cho bạn nhé.
Nguyên tắc chung để chế biến yến sào cùng với các nguyên liệu khác đó là yến sào sẽ chưng riêng và các nguyên liệu đi kèm nấu riêng, sau đó chúng ta sẽ trộn hai phần này lại để được một bát yến chưng thơm ngon, đủ vị và giàu dinh dưỡng đấy bạn ạ.
Yến sào chưng đông trùng hạ thảo
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- Đông trùng hạ thảo: 1 – 2 con
- Đường phèn: 1 – 2 thìa nhỏ (tùy khẩu vị)
Cách làm
- Bước 1: Công đoạn đầu tiên phải làm là sơ chế yến (nếu dùng yến tinh chế), bạn ngâm để yến mềm và nở ra rồi tách thành sợi, vớt ra để khô nước. Đông trùng hạ thảo bạn cũng rửa sạch và để ráo nước.
- Bước 2: Bạn cho khoảng 200ml nước vào nồi, cho đường phèn vào đun sôi đến khi đường tan chảy hoàn toàn, sau đó thêm tiếp đông trùng hạ thảo vào đun cùng đường phèn cho chín thì tắt bếp.
- Bước 3: Giai đoạn này, bạn chưng cách thủy yến sào đã sơ chế trước đó trong khoảng 20phút, sau khi nước trong nồi sôi nhớ chỉnh nhỏ lửa để tránh làm mất chất của yến, sau đó mở nắp đổ nốt hỗn hợp nước đường, đông trùng hạ thảo vào khuấy đều, chưng tiếp trong 5 phút là đã xong.
Yến sào chưng táo đỏ, hạt sen, nhãn nhục, bạch quả và đường phèn (yến chưng tứ bảo)
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- Hạt sen: 30gr
- Táo đỏ khô (táo tàu): 5 – 8 quả
- Nhãn nhục: 2 thìa nhỏ (khoảng 4 – 5 miếng cùi)
- Bạch quả: 5gr
- Đường phèn: 1 – 2 thìa nhỏ (tùy theo khẩu vị của mỗi người)
Cách làm
- Bước 1: Đầu tiên, bạn thực hiện quy trình sơ chế, ngâm yến như đã miêu tả ở trên. Đối với nhãn nhục khô, bạn ngâm vào nước ấm để chúng nở đều, mềm, sau đó rửa sạch lại cùng các nguyên liệu khác.
- Bước 2: Tiếp đến sẽ là công đoạn chế biến hạt sen. Nếu bạn dùng hạt sen khô thì phải ngâm trước với nước ấm trong 45 phút, sau đó rửa lại rồi cho vào nồi đun cùng một chút nước để hạt sen chín mềm. Với hạt sen tươi, bạn tách vỏ, loại bỏ tim sen bằng tăm (để không có vị đắng), rửa thật sạch rồi cho vào nồi đun với lượng nước vừa đủ. Hạt sen tươi sẽ nhanh mềm hơn nên bạn chú ý điều chỉnh thời gian đun phù hợp, không để hạt sen bị nhũn.
- Bước 3: Khi hạt sen đã chín mềm, bạn cho táo đỏ, nhãn nhục, bạch quả và một ít đường phèn (độ ngọt tùy chỉnh) vào đun tiếp, lưu ý khi đun bạn nên để lửa nhỏ để các loại hạt chín đều. Bạn theo dõi cho đến khi nào cảm thấy phần hạt chín, phần nước tiết ra từ hạt trong quá trình đun cũng hòa quyện với nhau thì tắt bếp.
- Bước 4: Lúc này, bạn cho yến sào vào riêng một thố chưng hoặc dùng bát có đĩa đậy, chưng cách thủy nhỏ lửa trong vòng khoảng 20phút. Lưu ý, lượng nước trong nồi chỉ nên ngập khoảng 70% chén/bát/thố để đảm bảo nước không tràn vào yến trong quá trình sôi.
- Bước 5: Cuối cùng, bạn cho hỗn hợp hạt sen, táo đỏ, nhãn nhục, bạch quả vào thố yến đun tiếp thêm 5 phút, vậy là bạn đã có ngay một chén yến chưng tứ bảo thơm ngon dùng để bồi bổ rồi đó.
Yến sào chưng với táo đỏ, hạt sen, câu kỷ tử, đường phèn
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- Hạt sen: 30gr
- Táo đỏ khô (táo tàu): 5 – 8 quả
- Câu kỷ tử: 10gr
- Đường phèn: 1 – 2 thìa nhỏ (tùy theo khẩu vị của mỗi người)
Cách làm
Về cơ bản, cách chưng yến với táo đỏ, hạt sen, câu kỷ tử và đường phèn giống với công thức làm yến chưng tứ bảo phía trên, chỉ thay nguyên liệu nhãn nhục, bạch quả bằng hạt câu kỷ tử. Bạn có thể tham khảo cách chế biến ở phần công thức phía trên nhé.
Yến sào chưng hạt sen, lá dứa
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- Hạt sen: 30gr
- Lá dứa: 5 lá
- Đường phèn: 1 – 2 thìa nhỏ (tùy theo khẩu vị của mỗi người)
Cách làm
- Bước 1: bạn sơ chế và ngâm yến như trên.
- Bước 2: Nếu dùng hạt sen khô bạn ngâm với nước ấm trong 45 phút, sau đó rửa sạch và lại cho vào nồi nấu cùng nước đến khi chín mềm. Nếu dùng hạt sen tươi thì bạn bóc vỏ, bỏ tim sen, rửa sạch rồi cho nước vào đun chín. Lá dứa lúc này bạn cũng rửa sạch, cắt thành từng khúc rồi cho vào đun chung với hạt sen để phần nước tiết ra từ lá tạo độ thơm ngon, thanh mát cho hỗn hợp.
- Bước 3: Yến sào đã rửa để ráo, bạn chưng cách thủy trong 20phút thì đổ hỗn hợp hạt sen lá dứa vừa làm vào trộn đều, đun tiếp trong 5 phút là có thể tắt bếp và sử dụng ngay.
Yến chưng táo đỏ, hạt chia và đường phèn
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- Táo đỏ khô: 5 – 8 quả
- Hạt chia: 1 thìa nhỏ
- Đường phèn: 1 – 2 thìa nhỏ (tùy khẩu vị)
Cách làm
- Bước 1: Bạn sơ chế yến, ngâm yến rồi tách thành sợi, để khô ráo nước.
- Bước 2: Tiếp theo, bạn cho khoảng 200ml nước và 1 – 2 thìa đường phèn vào đun sôi cho đường tan ra, sau đó cho tiếp táo đỏ khô vào và để bếp nhỏ lửa. Công đoạn này sẽ giúp chất ngọt trong táo tiết ra và táo được mềm hơn khi dùng.
- Bước 3: Phần yến vừa được sơ chế, bạn cho vào trong thố chưng hoặc bát sứ có nắp để chưng cách thủy trong khoảng 20 phút, sau đó mở ra cho thêm hỗn hợp táo đường vừa làm, hạt chia vào chung và khuấy đều. Cuối cùng, bạn chưng tiếp 5phút cho đến khi thấy hạt chia nở ra thì tắt bếp, bắc ra ngoài là có thể sử dụng luôn.
Yến sào chưng hạt sen và hạt chia
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- Hạt sen: 30gr
- Hạt chia: 1 thìa nhỏ
- Đường phèn: 1 – 2 thìa nhỏ (tùy khẩu vị)
Cách làm: bạn làm tương tự như cách chưng yến với táo đỏ và hạt chia ở trên, thay vì đun táo với đường phèn trước thì bạn sẽ nấu chín hạt sen với đường phèn, bạn tham khảo cách làm ở trên nhé.
Yến sào chưng saffron và mật ong
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- Mật ong: 2 thìa
- Saffron: 8 – 10 sợi
Cách làm
- Bước 1: Đầu tiên, bạn phải sơ chế và ngâm tổ yến theo quy trình trước đó chúng tôi đã đề cập, để khô ráo nước.
- Bước 2: Bạn cho tổ yến vào chén sứ hoặc thố chưng yến có nắp đậy, chưng cách thủy trong vòng 20phút.
- Bước 3: Cùng lúc này, bạn hòa mật ong với nước ấm (khoảng 100ml), sau đó cho phần nước mật ong và Saffron vào cùng với yến, chưng thêm khoảng 5 phút nữa thì tắt bếp, bắc ra ngoài và cho người già, người bệnh thưởng thức.
Yến chưng với sữa tươi
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- Sữa tươi không đường: 100-250ml
- Đường phèn: 1-2 thìa (tùy khẩu vị)
Cách làm
- Bước 1: Đầu tiên, bạn phải sơ chế và ngâm tổ yến theo quy trình như trên.
- Bước 2: Bạn cho tổ yến vào bát sứ hoặc thố chưng có nắp đậy, chưng cách thủy nhỏ lửa trong vòng 20 phút.
- Bước 3: Cùng lúc này,bạn đun sữa tươi với đường phèn để đường tan hoàn toàn, sau đó cho phần sữa này vào cùng với yến, chưng thêm khoảng 5 phút nữa thì tắt bếp và thưởng thức.
Công dụng: Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể, đặc biệt là những người bị bệnh về dạ dày. Theo Lương y Nguyễn Hữu Toàn, món ăn này tốt cho người bị chảy máu dạ dày
Yến sào chưng với lê Hàn, táo đỏ và mật ong
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- Lê Hàn: 1/4 quả
- Táo đỏ: 3-5 quả
- Mật ong (tùy khẩu vị)
Cách làm
- Bước 1: Đầu tiên, bạn phải sơ chế và ngâm tổ yến, với ra để ráo. Táo thái lát, Lê gọt vỏ thái hạt lựu
- Bước 2: Cho Tổ yến, lê, táo cùng với 200ml nước vào thố hoặc bát có nắp chưng cách thuỷ trong vòng 20 phút, khi nước sôi bạn để bếp nhỏ lửa để tránh mất chất của tổ yến. Sau đó bạn tắt bếp và cho mật ong vừa ăn.
Công dụng
Dựa theo cách trị ho của người Hàn Quốc, Tổ yến chưng Lê, táo đặc trị ho khan, ho lâu ngày. Món ăn này rất tốt cho trẻ con và người già lúc giao mùa đấy nhé.
Yến sào tần tim gà
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- Tim gà: 3-5 quả
- Hạt sen: 10 hạt; táo đỏ 2 quả; Nấm đông cô 2 cái
- Muối, rau thơm…
Cách làm
- Bước 1: Đầu tiên, bạn phải sơ chế và ngâm tổ yến, với ra để ráo. Táo đỏ, tim gà rửa sạch thái lát, Nấm đông cô ngâm nở và thái lát, hạt sen nấu chín.
- Bước 2: Bạn cho tổ yến, tim gà, táo đỏ, hạt sen, nấm đông cô, và nước vào thố hoặc bát chưng có nắp đậy. Bạn tiến hành chưng cách thủy từ 25-30 phút cho tổ yến và tim chín mềm là tắt bếp. Cho thêm chút muối và rau thơm vừa ăn.
Công dụng
Món ăn này rất tốt cho người tiểu đường, huyết áp thấp; bà bầu. Cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho người mới ốm dậy, người bệnh; người đang nằm viện sớm hồi phục sức khỏe.
Soup yến sào càng cua
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- 2 càng cua luộc chín bỏ vỏ gỡ lấy thịt xé tơi
- Nấm đông cô 2 cái ngâm nước nở và thái lát
- Ngô Vàng: 1/2 bắp thái lát
- Bột năng: 1.5-2 thìa cafe, dầu ăn, muối, hành; rau ngò (rau mùi)
Cách làm
- Bước 1: Bạn sơ chế tổ yến, ngâm nở, tẽ sợi và vớt ra để ráo nước, cho tổ yến và chút nước vào thố chưng 20 phút để yến chín mềm
- Bước 2: Bắc 1 nồi lên bếp cho dầu ăn vào xào qua nấm đông cô cho dậy mùi. Sau đó cho 300ml nước vào nồi nấm đun sôi. Cho thêm chút muối ăn, ngô vàng đun thêm 10 phút cho chín. Bột năng hòa chút nước cho tan. Cho càng cua vào nồi đun rất nhỏ lửa trong 5 phút sau đó cho bột năng vào tạo độ sánh cho soup. Cuối cùng, bạn cho tổ yến đã chưng và rau thơm thái nhỏ cho vào soup và tắt bếp.
Công dụng
Soup yến rất ngon miệng bổ dưỡng dùng cho mọi đôi tượng; đặc biệt là người ốm bệnh, người mệt mỏi, người kém ăn; trẻ em, phụ nữ mang thai; bệnh nhân ung thư cần nhiều dưỡng chất…
Yến sào thả gà
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- 01 chiếc đùi gà rửa sạch luộc chín giữ lại nước luộc. Thịt gà xé sợi vừa ăn
- Muối ăn, rau thơm tùy vị
Cách làm
Tổ yến sau khi ngâm nở thì bạn vớt ra để ráo nước. Bạn cho tổ yến, thịt gà cùng nước luộc gà vào thố chưng, đậy nắp thố lại. Bạn chưng cách thuỷ trong khoảng 20 phút để yến chín mềm thì tắt bếp. Cho thêm muối, rau thơm và dùng nóng.
Công dụng
Giúp ăn ngon miệng, thay đổi khẩu vị, phù hợp cho mọi đối tượng đặc biệt là người tiểu đường, huyết áp, món ăn ngon trong những ngày đông lạnh; cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho người mới ốm dậy, người làm việc căng thẳng; bồi bổ sức khỏe cho người gầy yếu
Cháo yến sào chim bồ câu (gà/tim/thịt bò)
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- Chim bồ câu: 1 con đã làm sạch (hoặc gà/tim/thịt bò tuỳ lượng ăn)
- Rau thơm, muối
Cách làm
- Bước 1: Nấu cháo chim bồ câu (gà – tim – thịt bò): cho gạo cùng với chim bồ câu (gà – tim – thịt bò); hạt sen,nước vào nồi áp suất ninh nhừ trong 30-45 phút
- Bước 2: sau khi tổ yến đã được sơ chế như hướng dẫn trên, bạn cho tổ yến và 1 chút nước vào thố để chưng cách thủy cho yến chín
- Bước 3: Khi cháo được bạn múc ra bát, cho tổ yến lên trên bề mặt cháo, cho thêm chút rau thơm và thưởng thức
Công dụng
Cháo yến cung cấp đầy đủ đạm thực vật và đạm động vật; các axitamin, khoáng chất thiết yếu. Món ăn tốt cho mọi đối tượng đặc biệt người ốm, người đang nằm viện, trẻ em, người già, bà bầu và phụ nữ sau sinh
Yến sào chưng kê gà
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- Kê gà: 6-8 quả
- hạt sen, nấm đông cô
- Muối ăn, rau thơm tùy vị
Cách làm:
Cách làm yến sào chưng kê gà tương tự như yến sào tần tim gà. Chỉ thay nguyên liệu tim gà bằng kê gà, bạn tham khảo cách làm ở trên nhé.
Công dụng
Đây là món ăn dành riêng cho nam giới giúp tăng cường sinh lực, tăng nhanh khả năng tái tạo tinh trùng, cải thiện chất lương tinh trùng; giúp tăng ham muốn. Dùng thường xuyên 3-6 tháng sẽ có kết quả tốt.
Yến sào tiềm gà ác thuốc bắc
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- 1 con gà ác
- 1 gói thuốc bắc
- 2 bát nước lọc
- 3 miếng vỏ quít khô (Trần bì)
- 5 miếng thịt xá xíu
- Một thìa nhỏ bột nêm
Cách làm
- Bước 1: bạn ngâm nở và để ráo nước tổ yến tinh chế, ngâm vỏ quít cho nở mềm, Gà mổ bụng rửa sạch, để ráo.
- Bước 2: Đun sôi nước vỏ quít, cho gà vào trần sơ qua, vớt gà ra để ráo. Cho 2 chén nước lọc vào nồi nhỏ + thuốc bắc + gà vào nấu độ 1 giờ. Trở gà nhiều lần cho chín đều.
- Bước 3: Cho tất cả hỗn hợp gà + yến đã sơ chế + xá xíu vào thố chưng cách thuỷ trong 20’ cho yến chín. Tắt bếp, cho bột nêm cho vừa đủ. Để nguyên trong thố và dùng nóng.
Yến sào chưng đu đủ
Chuẩn bị
- Tổ yến: 5gr yến tinh chế hoặc 20gr yến tươi
- Đu đủ 1 trái 400gr
- Sữa tươi: 100ml
- Đường phèn: 1-2 thìa
Cách làm
- Bước 1: bạn sơ chế tổ yến như đã hướng dẫn ở trên. Đu đủ rửa sạch, giữ nguyên vỏ, bổ đôi ⅖ và bỏ phần hạt bên trong.
- Bước 2: Cho 150ml nước lọc cùng đường phèn vào nồi, đun đến khi đường phèn tan hết. Cho hỗn hợp tổ yến, sữa tươi, nước đường vừa đun vào nửa đu đủ lớn hơn, dùng nửa còn lại làm nắp đậy, đem chưng cách thuỷ trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Tắt bếp và thưởng thức
Tổ yến chưng đu đủ là món ăn thanh mát, bổ dưỡng, đặc biệt thích hợp với tiết trời hanh khô của mùa Thu. Đây là món ăn vừa lạ miệng, nhiều dưỡng chất, là món ngon tốt cho sức khỏe mọi lứa tuổi. Đặc biệt, yến sào chưng đu đủ có tác dụng tuyệt vời cho sắc đẹp và sự dẻo dai của phụ nữ.
4. Lưu ý khi dùng yến sào
Khi dùng món chè yến hoặc bất kì món ăn nào được chế biến từ tổ yến, bạn nên chọn thời gian ăn thích hợp để hấp thu hết chất dinh dưỡng của thực phầm này. Mách các bạn nên ăn vào buổi sáng sớm sau khi ngủ dậy hoặc vào buổi tối trước khi đi ngủ 1 giờ nhé.
Để tránh lạnh bụng vì yến sào có tính hàn cao, bạn nào huyết áp thấp hoặc có tiền sử bệnh tiêu hóa thì khi ăn nhớ cho thêm 1–2 lát gừng, giúp làm giảm mùi tanh của yến và tăng hương vị thơm ngon.
Đối với người cao huyết áp, nên ăn món yến sào vào buổi sáng giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần thoải mái cho một ngày làm việc hiệu quả.
Đối với người bị bệnh mất ngủ, dùng món yến chưng hạt sen trước khi đi ngủ sẽ giúp an thần có được giấc ngủ sâu hơn, ngon hơn. Nếu bạn ăn thường xuyên một tuần 3–4 lần thì giấc ngủ ngon sẽ luôn trở về bên bạn. Trả lại cho bạn tinh thần tỉnh táo, minh mẫn, để đón chào một ngày mới tràn đầy năng lượng.
Đối với phụ nữ ăn kiêng, món yến sào sẽ giúp bạn giảm bớt lượng tinh bột cần ăn cho 1 ngày mà cơ thể vẫn khỏe mạnh, làn da thêm mịn màng, hồng hào, căng mọng.
Trên đây là các cách chế biến yến sào thơm ngon, đúng điệu. Bạn hãy dành chút thời gian cuối tuần chế biến cho cả gia đình cùng thưởng thức nhé. Chúc bạn thành công !